bí quyết sống thọ của người dân Okinawa nhật bản

Bí quyết sống thọ của người dân Okinawa Nhật Bản

Okinawa được xem là “vùng đất bất tử” bởi đây là nơi có số lượng người già cao nhất tại Nhật. Và có không ít người tò mò muốn biết bí quyết nào đã giúp người dân Okinawa sống thọ như vậy?

Có lẽ bạn đã nghe nói rằng Nhật Bản luôn có tuổi thọ cao nhất thế giới và đảo Okinawa là nơi tập trung nhiều người sống đến 100 tuổi nhất Nhật Bản. Theo thống kê, gần hai phần ba cư dân Okinawa vẫn sống độc lập ở tuổi 97. Điều đó có nghĩa là họ ở trong nhà của mình, tự nấu bữa ăn và sống trọn vẹn – gần như 100 tuổi với một tâm trí minh mẫn và một cơ thể khỏe mạnh!

Người già ở đây thường thực hiện các công việc như làm vườn trong sân của họ, tập thái cực quyền trong công viên, đi xe đạp và chơi một trò chơi giống như trò chơi bóng bàn với bạn bè của họ. Những người lớn tuổi ở đây ít bị các “bệnh của người già” như: bệnh tim, mất trí nhớ hoặc một số bệnh ung thư. Thậm chí xương của họ còn khỏe hơn cả những người cùng tuổi trên thế giới.

Okinawa được tạo thành với hơn 150 hòn đảo ở Biển Hoa Đông giữa Đài Loan và lục địa Nhật Bản. Và chắc chắn, khí hậu ấm áp của Okinawa cũng là một yếu tố giúp nâng cao tuổi thọ nhưng cũng có những bí mật về khả năng sống thọ của người dân nơi đây.

Nếu bạn hỏi bất cứ ai ở Okinawa tại sao họ sống lâu như vậy, bạn chắc chắn sẽ nghe thấy hai từ: Ikigai ”生きがい”Moai 模合(もあい)

Ikigai của người Nhật là gì ?

Ikigai hiểu nôm na có nghĩa là “tìm kiếm mục đích sống của đời bạn” hay “một lý do để thức dậy vào mỗi sáng”. Và ở Okinawa, ikigai của một người thường lớn lên khi họ già đi. Đối với người Nhật thật hạnh phúc nếu con người TÌM RA và THEO ĐUỔI ĐƯỢC ikigai của mình! Khi đó con người sẽ thường xuyên có NIỀM VUI CUỘC SỐNG và sự HÀI LÒNG VỚI BẢN THÂN!

Trong tiếng Nhật, Moai 模合(もあい)dùng để chỉ một nhóm bạn suốt đời, hay cũng có nghĩa là một nhóm hỗ trợ xã hội cung cấp các lợi ích xã hội, tài chính, sức khỏe hoặc tinh thần. Ở những khu phố nhỏ trên khắp Okinawa, bạn bè gặp nhau vì một mục đích chung (đôi khi hàng ngày và đôi khi vài ngày một tuần) để buôn chuyện, trải nghiệm cuộc sống, chia sẻ lời khuyên và thậm chí hỗ trợ tài chính khi cần.

Nhưng, hơn bất cứ điều gì, chế độ ăn Okinawa từ lâu đã trở thành chủ đề được nhiều người tìm hiểu. Thậm chí các nhà khoa học đã dành cả thập kỷ để nghiên cứu về chế độ ăn và lối sống của người dân Okinawa. Trước khi tôi nói với bạn những gì người dân Okinawa ăn, có một bài học quý giá về cách họ ăn, đó là: hara hachi bu.

Hara hachi bu là một quy tắc ăn kiêng nói rằng bạn nên ngừng ăn khi đã no 80%. Có một lý do sinh học cơ bản để làm cơ sở cho quy tắc này. Đó là phải mất từ 15 – 20 phút để dạ dày gửi tín hiệu đến não rằng nó đã đầy. Vì vậy, bạn ngừng ăn khi cảm thấy no 80% là lúc bạn thực sự đã no. Với quy tắc hara hachi bu, một người đàn ông Okinawa trung bình chỉ tiêu thụ 1.900 calo mỗi ngày, so với một người Mỹ trung bình ăn gần 2.500 calo.

Hầu hết mọi người trong cộng đồng khoa học đều cho rằng ăn ít có liên quan đến tuổi thọ, nhưng tất nhiên, điều đó cũng phụ thuộc vào những gì bạn ăn. Khi tham gia vào bữa ăn của một gia đình ở Okinawa, tôi (bác sĩ Sanjay Gupta) nhận được thức ăn của mình trên sáu ngăn, được gọi là hộp bento, hoàn toàn khác so với cách chúng tôi thường nhận bữa trưa ở Hoa Kỳ.

Ăn kiểu hộp bento có nghĩa là chúng ta ăn những phần thức ăn nhỏ hơn nhưng ăn nhiều loại thực phẩm hơn. Sáu ngăn của chúng tôi bao gồm cơm (món ăn có trong hầu hết các bữa ăn, bao gồm cả bữa sáng), khoai lang, một món mướp đắng xào được gọi là goya, một lát cá rất nhỏ, rau củ và một phần trái cây. Ngoài ra còn có một bát súp miso nhỏ và một ly trà xanh.Người dân Okinawa thường ăn 7 loại trái cây, rau củ khác nhau và 18 loại thực phẩm khác nhau mỗi ngày.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu tin rằng ikigai, moai và hara hachi bu là ba lý do lớn khiến người dân Okinawa sống cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh như vậy.

Xem thêm: Top 5 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của người Nhật

(Lược dịch bài viết của bác sĩ Sanjay Gupta – phóng viên của CNN)

Tác giả: Hau Le

Bài viết cùng tác giả

Bài viết cùng chuyên đề:

Bài viết liên quan