thời điểm nào là thích hợp cho bé ăn dặm

Các mẹ cần lưu ý trước khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Vì sao ăn dặm lại là quá trình cần thiết và quan trọng trong sự phát triển của bé ? Và ăn dặm kiểu Nhật thì có điểm gì đặc biệt khác với các cách cho bé ăn dặm khác ? Đây là hai câu hỏi căn bản mà đa số các bà mẹ trẻ đều thắc mắc, vì Mira cũng từng đặt ra câu hỏi tương tự trước khi thật sự bắt tay tìm hiểu và tập cho bé Gấu nhà mình ăn dặm những muỗng đầu đời. Dựa vào những kiến thức và kinh nghiệm của mình, Mira xin chia sẻ cho các bạn một số lưu ý căn bản trước khi áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé nhà mình nhé …

1. Vì sao ăn dặm lại cần thiết và quan trọng với sự phát triển của bé ?

Ăn dặm được coi là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của trẻ nhỏ. Mẹ nên đặc biệt chú ý để bé vượt qua giai đoạn này tốt nhất.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ luôn thay đổi theo từng chu kỳ phát triển. Lúc mới sinh ra, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng. Nhưng sau vài tháng sẽ đến giai đoạn sữa mẹ không đủ thỏa mãn bé. Giai đoạn này thường đến khi bé từ khoảng 4-6 tháng tuổi. Đây chính là thời điểm đa số các bé sẵn sàng cho việc ăn dặm.

Ăn dặm là việc cung cấp thêm một số những dưỡng chất ngoài nguồn sữa mẹ, để bé bắt đầu làm quen với thức ăn, có sự trao đổi chất mới và hấp thu. Đồng thời ăn dặm giúp bé có thêm dinh dưỡng mà khi này sữa mẹ không còn đáp ứng đủ.

Với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, ngoài việc bé tập ăn, bé còn có được kỹ năng nhai. Đây là kỹ năng quan trọng giúp bé biết ăn thực phẩm thô, giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn. Trẻ còn được học kỹ năng bốc bằng tay, xúc, gắp thức ăn bằng thìa, nĩa, vừa giúp hình thành tính độc lập vừa khiến bữa ăn trở nên thú vị hơn. Vì được tập luyện từng bước một cách khoa học nên bé có thể ăn nhiều loại thực phẩm từ cá, gà, bò, heo, trứng, tôm, cho đến các loại rau, củ, quả. Các bé sẽ tập phản xạ tự nhai trong những giai đoạn đầu tiên nên hiếm có đứa trẻ nào có thói quen ngậm thức ăn.

Ngoài ra những nguyên tắc “bàn ăn” chung như ngồi ghế, không có ti vi ipad, không bế rong làm trò lúc bé ăn, không ép ăn…cũng là ưu điểm mà các mẹ thấy rất thích ở phương pháp ăn dặm này.

2. Khi nào nên bắt đầu cho bé ăn dặm ?

Chuyển sang ăn dặm là một mốc thời gian quan trọng cho cả mẹ và bé. Vì thế, sẽ không bất ngời khi một số bà mẹ có thể cảm thấy không chắc chắn về việc khi nào cho bé ăn và cho bé ăn gì. Tạo lập thói quen cho ăn vào những thời gian nhất định trong ngày sẽ giúp bé quen với chế độ ăn mới khi ăn dặm.

Các mẹ cũng không nên quá vội vàng khi cho trẻ ăn dặm quá sớm. Nên đợi đến khi con thực sự sẵn sàng thì việc ăn dặm của bé sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu cho bé ăn quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé như: bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, biến ăn và lâu dài sẽ có nguy cơ bị thiết hụt dinh dưỡng, dẫn đến bé suy dinh dưỡng, chậm lớn…

Người Nhật cho con ăn dặm từ khá sớm trong khoảng 5 tháng tuổi. Các mẹ để ý trẻ nếu có những biểu hiện như:

  • Bé biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi.
  • Biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa.
  • Biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó.
  • Lưỡi không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (cho vật gì vào mồm bé cũng đẩy ra, trừ núm vú).
  • Bé thể hiện sự thích thú khi nhìn thấy người lớn ăn hoặc đối với thức ăn bạn đưa.

thời điểm nào là thích hợp cho bé ăn dặm

Khởi đầu chỉ nên cho bé ăn 1 loại thức ăn mới trong ngày để theo dõi khả năng dung nạp của bé. Sau khi cho bé ăn mẹ cần quan sát để thấy bé ăn được, đến lúc đó mới tăng số lượng và bổ sung thêm một số những gia vị khác. Việc thay đổi các nguyên liệu chế biến giúp mẹ nhận biết được khẩu vị của con.

3. Các trình tự cho bé Ăn dặm kiểu Nhật như thế nào ?

Đối với trẻ từ 5-6 tháng tuổi  mẹ nên cho bé ăn cháo loãng, xay nhuyễn trong suốt tuần đầu tiên để bé tập quen dần. Tuần thứ 2 bé có thể thử một số loại rau của quả loại dễ tiêu hóa. Thức ăn của bé giai đoạn này phải trơn, mịn để bé dễ ăn và không bị nghẹn. Nếu bé cảm thấy không thích và từ chối, mẹ cũng không nên ép. Có thể để bé ngưng 2-3 ngày sau đó thử lại. Ở giai đoạn này chủ yếu tập cho bé làm quen với các dạng thức ăn khác ngoài sữa, tập phản xạ nuốt thức ăn và học cách ăn bằng muỗng. Độ đặc và thô của cháo và thức ăn dặm cũng được tăng lên theo từng giai đoạn ăn của bé.

Tham khảo: Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 5 – 6 tháng tuổi

Đối với trẻ từ 7-8 tháng: mẹ có thể cho bé ăn cháo đặc và thô hơn giai đoạn 1.

Bây giờ bé đã làm quen với nhiều loại thức ăn hơn. Việc bạn nên chú trọng là giúp bé làm quen với những vị hỗn hợp. Song song với việc uống sữa, mẹ nên cho bé ăn mỗi ngày 2 bữa ăn dặm.

Bạn nên lựa chọn kỹ đồ ăn an toàn khi đưa cho bé bốc và giám sát kỹ khi bé ăn. Tránh cho bé ăn các loại quả, hạt nhỏ và cứng như: nho, nhãn, vải…

Tham khảo: Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 7 tháng

Đối với bé từ 9-11 tháng tuổi: Giai đoạn này tiếp tục điều chỉnh lượng thức ăn tăng dần theo mỗi bữa để giúp bé thích nghi trước khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới.

Giai đoạn này thức ăn của trẻ thô hơn nhiều so với trước. Mẹ không còn mất quá nhiều thời gian khi chuẩn bị thức ăn cho con. Một số bé thậm chí đã có thể học cách nhai thức ăn trong giai đoạn này.

Tham khảo: Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 9-11 tháng tuổi

Đối với bé từ 12-18 tháng tuổi: Giai đoạn này nhiều bé đã cai sữa và bắt đầu có thể ăn các bữa như người lớn. Ngoài 3 bữa chính, mẹ cũng nên bổ sung 2 bữa phụ và cho con uống thêm sữa.

Tham khảo: Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 12 đến 18 tháng tuổi

4. Một số điểm lưu ý.

Khi bé được 5-6 tháng tuổi là thời gian phù hợp để mẹ bắt đầu cho con ăn dặm. Việc ăn dặm ở giai đoạn này chủ yếu chú trọng đến việc giúp bé làm quen với mùi vị thức ăn, phát triển khả năng vị giác của bé. Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cũng cần lưu ý những điều sau đây:

– Những muỗng ăn đầu đời của bé sẽ là những muỗng cháo nấu theo tỷ lệ 1 phần gạo, 10 phần nước. Rất loãng, rất dễ tiêu hóa để bé tập nuốt. Sau đó cháo sẽ được nấu đặc dần để bé tập ăn cháo đặc rồi chuyển sang ăn cơm.

Xem thêm Cách nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật cho bé

– Bữa ăn của bé cần có đủ 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm và vitamin.  Những món ăn này sẽ được thường xuyên thay đổi để bé quen dần với nhiều loại thực phẩm khác nhau.

– Mẹ không cần thêm gia vị vào thức ăn của bé

Xem thêm Cách nêm nếm thức ăn cho bé ăn dặm

– Khi chế biến thức ăn dặm cho bé, các mẹ nên tận dụng các nguyên liệu để tạo màu sắc hấp dẫn cho món ăn, giúp bé hứng thú hơn trong việc ăn dặm.

Xem thêm Bí quyết giúp bé ăn ngon miệng

– Trong quá trình cho con ăn dặm, mẹ hãy tập cho bé thói quen ăn đúng bữa.

– Khi bé đã biết ngồi thì mẹ hãy để cho bé ngồi ăn chung với bố mẹ và tập cho con tự xúc đồ ăn. Điều này giúp bé có khả năng tự lập hơn.

– Mẹ hãy để trẻ ăn theo nhu cầu của trẻ không nên thúc ép

– Khi giới thiệu những món ăn mới cho bé, mẹ nên thử trong khoảng 3-4 ngày

Chắc hẳn sẽ có rất nhiều mẹ thắc mắc về việc cho con ăn dặm kiểu Nhật như thế nào cho hợp lý, hay thời điểm ăn dặm cho con như thế nào và cần lưu ý gì khi cho con ăn dặm. Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Mira, các mẹ sẽ có thêm những thông tin hữu ích và giải đáp được những băn khoăn mà mình đang gặp phải.

Tác giả: Mira Chan

Bài viết cùng tác giả

Bài viết cùng chuyên đề:

Bài viết liên quan