Người Nhật đón năm mới như thế nào ? Tết Nhật có khác gì với Tết Việt ?

Người Nhật đón năm mới có thể gói gọn trong vài cụm từ sau: Dọn nhà cửa sạch bong, duy trì sự tĩnh lặng, thưởng thức ẩm thực đặc trưng và chào đón các vị thần. Dưới đây là những phong tục rất đặc trưng của người Nhật chào đón năm mới, mời các bạn cùng khám phá.

1. Oosouji – Tổng vệ sinh nhà cửa

Người Nhật đón năm mới

Người Nhật tin vào tầm quan trọng của việc chào đón năm mới với một ngôi nhà gọn gàng sạch sẽ. Khá giống với tục lệ ở nước ta, một vài ngày trước khi năm cũ kết thúc, việc dọn dẹp nhà cửa diễn ra ở hầu hết gia đình Nhật Bản. Đây là thời điểm hoàn hảo để mọi người làm sạch những thứ ít khi lau dọn như: chùm đèn, đồ nội thất và các thiết bị nặng nề khác trong nhà.

Các nơi bán hàng cũng nhân cơ hội này để xả hàng tồn kho cũ bằng cách bán các túi quà Fukubukuro hay gọi là “Túi quà may mắn”. Nếu bạn không ngại phải xếp hàng dài, hãy ghé thăm các cửa hàng yêu thích để săn được các món hời giảm giá nhé. Fukubukuro là một chiếc túi mà hàng hóa trong ấy có giá trị lớn hơn nhiều so với giá của chiếc túi.

2. Joya no Kane – Âm thanh may mắn đầu năm

Người Nhật đón năm mới

Trong khi những đám đông ồn ào là một phần không thể thiếu trong đêm giao thừa ở nhiều nơi trên thế giới. Thì  ngược lại, ở Nhật nhật cực kỳ không khuyến khích sự ồn ào. “Joya no Kane” là âm thanh vang lớn được mọi người chờ đón.

Người Nhật đón năm mới trong sự chờ đợi “Joya no Kane” – tiếng chuông báo hiệu thời khắc giao thừa. Theo truyền thống của Phật Giáo, tiếng chuông sẽ được đánh lên 108 lần, bắt nguồn từ niềm tin về 108 loại cảm xúc xấu trên thế giới như giận dữ, ác cảm và bất hòa. Các nhà sư Phật giáo luân phiên khai chuông từ 11:00 tối, tiếng chuông cuối cùng vang lên sẽ trùng với thời khắc giao thừa, những cảm xúc xấu sẽ bị bỏ lại ở lại năm cũ. Năm mới sẽ chỉ có sự vui vẻ và an lành.

Pháo hoa được sử dụng nhiều ở Nhật Bản vào các lễ hội mùa hè nhưng theo truyền thống thì chúng không được trình diễn vào đêm giao thừa. Tuy nhiên, cũng có nhiều quận ở Nhật Bản đã “phương Tây hóa”. Điển hình như Roppongi và Shibuya ở Tokyo. Tại các khu phố này, mọi người đốt pháo hoa và tổ chức những bữa tiệc đếm ngược để chào đón năm mới.

3. Trang trí nhà cửa vào năm mới !

Theo truyền thống, mọi người Nhật đón năm mới bằng việc trưng bày bùa Shimekazari và Kadomatsu vào cuối tháng 12 nhưng bạn có thể thấy đã bắt đầu nhận thấy một vài gia đình trưng bày chúng vào ngày 3 tháng 12.

Shimekazari

Người Nhật đón năm mới

Một Shimekazari là một vòng hoa bện bằng dây rơm, có đính một lá bùa theo nghi lễ Shinto, một miếng vỏ quýt Nhật cùng lá dương xỉ. Mọi người treo những đồ trang trí này trên cửa để xua đuổi tà ma và chào đón các vị thần năm mới.

Kadomatsu

Người Nhật đón năm mới

Kadomatsu, nghĩa là cổng bằng gỗ thông, là một cặp đồ trang trí mà mọi người đặt ở hai bên của ngôi nhà hoặc cửa hàng để mời vị thần mùa màng và tổ tiên về nhà. Kadomatsu được làm từ 3 loại cây là cành Thông – Tre – và Mơ. Chúng được chế tác theo phong cách Ikebana, nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản.

Kagami-Mochi

Người Nhật đón năm mới

Trong khi đó Kagami-Mochi là Bánh gạo tráng gương. Đây một vật trưng bày gồm 2 chiếc bánh Mochi xếp chồng lên nhau, cái nhỏ hơn ở bên trên, một quả quýt Nhật còn nguyên lá được gắn trên cùng.
Theo truyền thống, người Nhật đón năm mới sẽ trưng bày Kagami-Mochi bên trong ngôi nhà để cầu các vị thần bảo vệ ngôi nhà an toàn khỏi hỏa hoạn trong suốt một năm. Một điều thú vị là hiện nay có nhiều Kagami-Mochi bằng nhựa bán sẵn trong siêu thị. Chúng trở thành lựa chọn phổ biến cho nhiều gia đình vì sự tiện lợi. Tất cả những đồ trang trí này vẫn được trưng bày cho đến ngày 7 tháng 1, ngày mà vị thần năm mới được cho là sẽ xuất hành đầu năm mới.

4.  Món ăn truyền thống để chào đón năm mới

Người Nhật đón năm mới với một số món ăn truyền thống đặc biệt dưới đây:

Toshikoshi soba

Người Nhật đón năm mới

Toshikoshi soba là một món mì đơn giản được ăn như là bữa ăn cuối cùng trong năm. Những sợi mì dài tượng trưng cho mong ước có một cuộc sống lâu dài. Trong khi sự dễ đứt của sợi soba có liên quan đến ý nghĩa “rời bỏ năm cũ” một cách dễ dàng. Đó là lý do tại sao nó phải là bữa ăn cuối cùng trong năm và không bao giờ được ăn trong thời khắc giao thừa nửa đêm. Sẽ không may mắn với ý nghĩa “rời bỏ” khi mà đã chuyển sang năm mới.

Osechi Ryori

Người Nhật đón năm mới

Osechi Ryori là một set gồm nhiều món ăn Nhật Bản khác nhau được chứa trong ba đến bốn lớp hộp bento được gọi là Jubako. Osechi Ryori được đặt ở giữa bàn vào đêm giao thừa nhưng chỉ được phục vụ cho cả gia đình vào bữa ăn đầu tiên của năm mới.

Mỗi món ăn có trong Jubako đại diện cho một mong muốn đặc biệt cho năm mới. Trứng cá hồi cầu chúc cho em bé khỏe mạnh, Datemaki (sushi cuộn trứng) là sự xuất sắc trong học tập. Củ sen thái lát để có tầm nhìn xa.

Súp Ozoni

Súp Ozoni

Nguồn Ảnh: Mirachan.kitchen

Một món ăn khác được phục vụ vào ngày đầu tiên của năm mới là Ozoni. Đó là một món súp với những lát bánh gạo và các loại rau củ địa phương. Món ăn này cũng gắn liền với ý tưởng về việc “bắt đầu một năm với món ăn thanh tịnh”.

Theo truyền thống, khi người Nhật đón năm mới sẽ phải tránh các công việc nặng nhọc trong vài ngày đầu năm. Theo mục tiêu đó, Ozoni là món ăn chỉ được chế biến một lần, trong một chiếc nồi duy nhất và có thể được phục vụ trong vài ngày chỉ bằng cách hâm nóng

5. Hatsuhinode – Bình minh đầu tiên của năm

Người Nhật đón năm mới

Người Nhật thích tổ chức các hoạt động đầu tiên trong năm mới – bữa ăn đầu tiên, tiếng chuông đầu tiên, giấc mơ đầu tiên trong năm. Người ta tin rằng sự trân trọng những “thứ đầu tiên” sẽ là sự khởi nguồn tốt cho những vận may. Bao gồm cả mặt trời mọc đầu tiên trong năm, Hatsuhinode.
Người dân Nhật Bản ra khỏi giường từ sáng sớm để đón ánh bình minh đầu tiên trong năm. Hơn bất cứ điều gì, Hatsuhinode đại diện cho một hy vọng mới và đổi mới tinh thần cho năm mới.

6. Hatsumode – Chuyến thăm đền đầu tiên trong năm

Người Nhật đón năm mới

Hatsumode là chuyến thăm đầu tiên đến một ngôi đền thờ Thần đạo (Shinto) hay chùa Phật giáo (Buddhist) khi người Nhật đón năm mới. Tất cả các thành viên trong gia đình cùng nhau đến thăm một ngôi đền để cầu nguyện các vị thần cho phước lành và may mắn. Các đền thờ thường rất đông trong ba ngày đầu tiên và có thể kéo dài đến ngày thứ bảy của năm mới, ngày xuất hành năm mới của các vị thần.

8. Xin xăm và mua bùa may mắn  !

Bùa may mắn Omamori

Bùa may mắn Omamori Sakura

 

Đón năm mới hạnh phúc không thể thiếu việc mua các loại Bùa may mắn Omamori ở các chùa hay đền thờ để đảm bảo sự linh thiêng. Các loại Omamori khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau như: xua đuổi ma quỷ, mang lại tình yêu trong cuộc sống, cải thiện tài chính, bảo đảm sinh con an toàn, vv …

Mua một lá bùa may mắn được gọi là Omamori là hoạt động phổ biến trong bảy ngày đầu tiên khi người Nhật đón năm mới. Người ta cho rằng sang năm mới mà còn giữ một lá bùa cũ thì sẽ rất xui xẻo. Vì thế, các ngôi đền lớn cũng thu lại những lá bùa cũ từ năm trước của khách viếng thăm để đốt chúng theo một nghi lễ.

Lá xâm may mắn Omikuji

Người Nhật đón năm mới

Omikuji là một trong những phong tục phổ biến nhất để đón năm mới hạnh phúc ở Nhật Bản, nó đang thu hút rất nhiều người quan tâm. Có thể hiểu nôm na phong tục này là xin xăm, quẻ đầu năm. Bạn có thể có được xăm may mắn hoặc không may mắn. Nếu xăm của bạn là không may mắn, thì bạn phải buộc nó tại một vị trí quy định trong đền thờ với hy vọng tránh được những điều không may mắn đó.

Tại đền Kawagoe Hikawa, một ngôi đền Shinto ở Kawagoe, có một cách phổ biến hơn để có được nhận may mắn. Aitai mikuji là hình thức câu một chú cá màu đỏ ngậm một lá bùa may mắn. Nếu bạn nhận được lời chúc tốt lành về tình yêu, thì cơ hội gặp gỡ “người trong mộng” của mình sẽ tăng gấp đôi đấy.

Người Nhật đón năm mới

9. Xem múa sư tử truyền thống

Người Nhật đón năm mới

Các điệu múa sư tử (người Nhật gọi là “shishimai”) ban đầu được du nhập vào Nhật trong thời nhà Đường, nhưng sau đó nó đã được hấp thụ hoàn toàn vào nền văn hoá Nhật Bản, với sự khác biệt về phong cách được tìm thấy từ khu vực này sang khu vực khác. Shishimai được biểu diễn tại các thánh địa và các địa điểm khác trên khắp Nhật Bản trong dịp mừng năm mới, cùng với âm nhạc lễ hội. Sư tử có vẻ hơi hung dữ, nhưng nếu nó “cắn yêu” một cách tinh nghịch vào đầu đứa trẻ, người ta nói rằng đứa trẻ đó sẽ có được sức khoẻ tốt trong năm mới

10. Giấc mơ đầu tiên của năm mới

Giấc mơ đầu năm

Từ thời kỳ Edo (1603-1868), người dân Nhật Bản đã đặt rất nhiều hy vọng vào giấc mơ đầu tiên của năm mới (Hatsuyume). Theo truyền thống, giấc mơ đầu năm sẽ là từ đêm 1 – 2 tháng 1, người ta tin rằng bất cứ điều gì bạn mơ ước sẽ được coi là thứ tiên đoán vận mệnh cho cả năm. Nếu bạn tình cờ nhìn thấy núi Phú Sĩ, một con chim ưng, hoặc cà tím trong giấc mơ của bạn, bạn sẽ được cho là gặp may mắn trong cả năm!

Tác giả: Mira Chan

Sản phẩm trong bài viết

Bài viết cùng tác giả

Bài viết cùng chuyên đề:

Bài viết liên quan