Các nghi thức trong tiệc trà đạo

Phần 1: Trang trí và các dụng cụ sử dụng trong tiệc trà

 

Trong phần 1, Mira đã giới thiệu với các ban những dụng cụ căn bản và cách trang trí trong phòng trà đạo, vì vậy bây giờ trong phần 2 này mình sẽ giới thiệu tiếp những nghi lễ căn bản trong tiệc trà đạo của Nhật.

Như Mira đã nói trong phần trước, nhìn vào các nghi thức trong tiệc trà đạo, ta như được nhìn vào chiếc gương soi, giúp thiểu thêm được về văn hóa cũng như những tính cách truyền thống của người Nhật như:

–          Tỉ mỉ, cầu kì trong việc lựa chọn từng bông hoa, từng cái chén trà cho phù hợp với từng mùa, và chủ đề của tiệc trà.

–          Yêu thích những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hay được tạo nên bởi những tiệm truyền thống hay nghệ nhân nổi tiếng. Điều này có lẽ góp phần giải thích lý do nhiều người Nhật rất thích sử dụng sản phẩm đồ hiệu và có nguồn gốc , danh tiếng rõ ràng, hay giới trẻ thích những sản phẩm hàng hiệu của LV, Gucci …

–          Tính cấp bậc cũng được thể hiện rõ nét trong môn nghệ thuật trà đạo truyền thống của Nhật. Ví dụ như khi ta muốn học về trà đạo thì phải tìm một sư phụ để bái thầy và nhập môn. Sau đó, người Thầy đó sẽ viết thư giới thiệu để Hiệp hội trà đạo có trụ sở chính ở Kyoto chấp nhận bạn được nhập môn. Rồi từ khi nhập môn thì ta phải theo Thầy đến tận cuối đời, phải thường xuyên đóng lệ phí cho Thầy, còn các Thầy sẽ lại đóng lệ phí lên các tổ chức cấp cao hơn, để rồi cuối cùng tổng lệ phí sẽ được nộp về trụ sở chính ở Kyoto. Ngoài ra, để trở thành Thầy để hướng dẫn nghệ thuật trà đạo cho các đệ tử khác thì bạn phải từ 50 tuổi trở lên, còn trẻ hơn tuổi đó thì bạn sẽ chưa đủ tiêu chuẩn để được phong cấp bậc làm thầy.

 Ngoài ra, trong suốt thời gian tiệc trà đạo diễn ra, người tham gia lẫn người biểu diễn đều phải tuân theo những nguyên tắc đã được quy định sẵn một cách nhịp nhàng và thành thục. Do đây là lần đầu tiên mình được tham gia tiệc trà đạo của Nhật nên Mira cũng rất ngỡ ngàng với những nghi lễ này, tuy nhiên nhờ có 2 cô bạn kèm cặp 2 bên giải thích nên đã giúp khai sáng cho mình thêm nhiều kiến thức bổ ích, mới lạ về môn nghệ thuật độc đáo này của xứ anh đào.

 

Đầu tiên khi bước vào phòng trà đạo thì chúng ta phải thay vớ bằng 1 đôi vớ trắng mới, sạch sẽ. Đây là loại vớ sử dụng khi mặc kimono, và được gọi trong tiếng Nhật là Tabi. Hôm đó Mira không biết nên không mang theo vớ trắng để thay, nhưng hên là có cô bạn đã chu đáo chuẩn bị đầy đủ cho mình.

 

Vì đợt này Mira tham dự tiệc trà đạo với tư cách là người tham gia chứ không phải người biểu diễn nên khách sẽ được mời vào phòng đợi cùng với vé tham dự có màu khác nhau. Sau đó sẽ có người ra hỏi là mời những khách có vé màu gì đó bước vào tham dự tiệc trà. Sau khi được gọi thì khách mời sẽ lần lượt xếp hàng để bước vào phòng trà. Mira và 2 người bạn luôn xếp hàng cuối cùng vì người đứng đầu sẽ rất là …mệt , mấy bạn biết sao không …đợi tí sẽ giải thích cho nhé …

 

Khi vào bên trong phòng trà đạo rồi thì cứ theo thứ tự khách mời sẽ ngồi bên rìa của phòng, còn khoảng không ở giữa phòng sẽ để trống, không ai ngồi bên trong đó. Người biểu diễn trà đạo sẽ ngồi ở hướng đối diện với khách mời gần lối cửa ra vào. Khi tham gia tiệc trà đạo, ta phải ngồi xếp chân lại như quì hay tư thế ngồi thiền, trong tiếng Nhật gọi tư thế ngồi đó là Seiza 正座. Tuy nhiên có anh người Ấn Độ không quen ngồi tư thế thiền nên ngồi xếp bằng chân luôn cho thoải mái hihi , vì đây là tiệc trà dành cho người mới bắt đầu nên khá thoải mái, không ép buộc nếu bạn không thể ngồi được tư thế đó.

 

 Cô mặc áo tím là cô giáo đang ngồi giải thích cho mọi người hiểu các qui trình trong tiệc trà đạo. Cô có thể nói tiếng Anh khá lưu loát để giải thích cho các vị khách nước ngoài vì ở Tokyo hầu như những người thực tập nghệ thuật trà đạo tea ceremnony là nghề tay trái thôi, ngoài ra họ đều là career woman và có công việc tốt tại các công ty đa quốc gia. Cô áo hồng đang pha trà là đệ tử, Cô đang dùng nước ấm để rửa tách trà và chuẩn bị pha trà mời khách.

 Trong khi đợi trà được pha xong thì những cô gái khác mặc kimono mang bánh Wagashi ra mời khách. Bánh và trà sẽ được mời ăn vào thời điểm khác nhau, chứ không thể vừa ăn miếng bánh vừa uống miếng trà được (mặc dầu Mira nghĩ vừa ăn bánh và vừa uống trà thì ngon hơn hic). Bánh sẽ được mời từ người ngồi đầu tiên rồi lần lượt chuyền sang cho những người khác. Ngoài ra người ngồi đầu tiên sẽ được xem như người tiên phong, sẽ bị hỏi nhiều câu hỏi để thay mặt mọi người trả lời. Do vậy ai cũng né không muốn ngồi đầu hihi

 Bánh sẽ được cho vào 1 dĩa chung , rồi khi chuyền đến lượt ta thì ta sẽ tự gắp ra 1 cái để lên miếng giấy trắng trong tiếng Nhật gọi là Kaishi. Khi người Nhật mặc Kimono thì họ thường cho Kaishi vào bên trong áo, nên khi mời ăn bánh uống trà thì sẽ luôn có sẵn và rút từ bên trong áo ra để sử dụng. Giấy để lót bánh ăn cho lịch sự chứ …ko để chùi miệng đâu nha mấy bạn, đừng có hiểu lầm rồi lộn đó hihih .. Sau khi gắp bánh để ra giấy xong thì ta phải ăn nhanh cho hết chứ ko để chừa lại, rồi gấp miếng giấy trắng lại gọn gàng cho vào túi .

 

 

 

 Sau khi được mời bánh xong, thì các cô gái mặc kimono sẽ kính cẩn mang từng tách trà đến mời khách thưởng thức. Trà sử dụng trong tiệc trà đạo được dùng từ matcha powder rồi dùng chổi đánh cho tan đều rồi lên tí bọt. Cô gái mặc áo kimono tím sẽ pha từng tách trà cho từng vị khách rồi những người mặc kimono khác sẽ lần lượt mang trà đến cho khách , cũng theo thứ tự từ người ngồi hàng đầu đến người cuối cùng. Cách để uống tách trà trong tiệc trà đạo như sau:

– Khi nhận chén trà từ người mời trà ta phải kính cẩn vái chào để cám ơn. Sau đó quay sang người khách  ngồi bên tay phải, là người đã được mời trà trước ta rồi kính cẩn hỏi : Xin mời ông dùng thêm tách nữa, rồi quay sang người bên tay trái, tức là người chưa được mời trà , rồi kính cẩn chào : Tôi xin phép uống trà trước. Rồi sau đó ta mới được cầm tách trà lên rồi uống.

– Khi các cô gái mặc Kimono mang tách trà ra mời ta uống thì họ đã cẩn thận xoay hướng chính diện của tách trà (tức là nơi có hoa văn đẹp) vào phía của khách. Do vậy khi uống trà ta phải cẩn thận xoay 1 vòng để tránh phần chính diện của tách trà, để đặt môi vào chỗ không có hoa văn để uống nhằm tránh thất lễ. Đó là lý do khi uống trà đạo, người ta thường xoay vòng tách trà 1 tí đó các bạn. Sau khi uống xong thì ta phải dùng tay chùi nhẹ phần vành ly, nơi bị vây bẩn bởi dấu vết của trà.

– Sau đó ta phải cẩn thận xoay vòng chén trà 1 lần nữa để quay hướng chính diện của tách trà về phía người mời trà, và kính cẩn vái chào cảm ơn rồi gửi chén trà trả lại.

Các bạn thấy các nghi thức trong tiệc trà đạo của Nhật như thế nào, có thú vị không ? Trong phần sau mình sẽ giới thiệu với các bạn cách pha , bảo quản và cách phân biệt 1 số loại trà phổ biến của Nhật, các bạn nhớ vào xem nhé !

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Mira Chan

Bài viết cùng tác giả

Có thể bạn quan tâm

Bài viết liên quan