Ý nghĩa lễ hội mùa hè Tanabata của Nhật Bản !

Tháng 7 với những cơn mưa ngâu bất chợt, chim bắc cầu ô thước cho Ngưu Lang chức nữ gặp nhau ! Bạn có biết không, ở Nhật thì ngày Ngưu lang chức nữ gặp nhau còn được xem là một trong những ngày hội lớn nhất vào mùa hè đó. Người Nhật gọi ngày này là lễ hội Tanabana (七夕祭り), hay còn gọi lễ thất tịch, lễ ngắm sao.

Hằng năm cứ vào ngày 7 tháng 7 dương lịch, người dân Nhật Bản sẽ linh đình tổ chức lễ hội Tanabana (七夕祭り). Tanabana được cho có nguồn gốc từ lễ hội Ngưu Lang Chức Nữ của Trung Quốc. Ngày diễn ra lễ hội được xem như ngày kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai vị thần Orihime và Hikoboshi (đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang).

Không chỉ vậy, đây còn là ngày hội gắn liền với tuổi thơ, vì các em nhỏ Nhật Bản sẽ có rất nhiều hoạt động ở trường, cùng trang trí cho cành trúc và gắn lên đó những mảnh giấy ghi những điều mong ước !

Nguồn gốc lễ hội Tanabata

Ý nghĩa lễ hội Tanabata

Truyền thuyết ở Nhật kể lại câu chuyện tình yêu bị chia cách của Ngưu Lang Chức Nữ như sau …

Ngọc Hoàng có một người con gái dệt lụa rất giỏi tên là Tanabata-tsume ( gọi là Orihime). Nàng Orihime lại đem lòng yêu thương anh chàng chăn bò Hikoboshi. Vì thương con, Ngọc Hoàng đã đồng ý gả Orihime cho anh chàng chăn bò Hikoboshi. Tuy nhiên,  vì say mê trong men tình yêu, hai vợ chồng chỉ ham rong chơi, lười biếng, bỏ bê công việc. Nàng Orihime thì bỏ mặc khung cửi, không còn dệt vải. Chàng chăn bò Hikoboshi thì lại để đàn bò con lạc lối trần gian, con đi lạc lên tận cung trời.

Để trừng phạt cho sự lười biếng của cặp đôi, Ngọc Hoàng đã phạt đưa hai người chia cách hai nơi, mỗi người ở một bên bờ sông dải Ngân. Mỗi năm chỉ cho họ gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 !

Vào những ngày đó, đàn chim ô thước sống bên hai bờ sông sẽ lấy thân mình làm cầu để hai người gặp nhau. Nếu vào ngày này trời mưa, có nghĩa là đàn chim sẽ không thể bắc cầu … Ngưu Lang Chức Nữ sẽ không thể gặp được nhau !

Ý nghĩa lễ hội mùa hè Tanabata ở Nhật

Tranh vẽ giới quý tộc nữ Nhật Bản thời Heian tổ chức lễ hội Tanabata – Nguồn Ảnh : Wikipedia

Từ thế kỷ thứ 8 thời Heian, giới quý tộc cung đình ở Nhật tổ chức một ngày hội cúng sao để tôn vinh hai chòm sao Ngưu Lang và Chức Nữ cùng với câu chuyện tình của họ. Ngoài ra, các nữ quý tộc thời ấy còn gửi gắm mong ước trở thành những người phụ nữ khéo léo nữ công gia chánh như nàng công chúa Orihime. Tên của ngày lễ hội Tanabata đồng âm với từ “Khung cửi” của cô gái dệt lụa trong những truyền thuyết ở xứ Phù tang.

Những cành trúc treo mảnh giấy mơ ước Tanzaku – Nguồn Internet

Đến thời Edo (1600-1868),  lễ hội Tanabata đã trở nên phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp khác trong xã hội Nhật Bản, chứ không chỉ giới hạn là ngày hội của tầng lớp quý tộc nữa. Tanabata không chỉ là một trong những ngày hội mùa hè lớn nhất ở Nhật, mà còn là dịp tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã qua đời vì thiên tai, cũng như hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

Vào ngày lễ hội, người Nhật viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc gọi là Tanzaku. Sau đó họ sẽ treo lên cành trúc trước cửa nhà để cầu khấn mong ước sớm thành hiện thực. Đặc biệt, đối với trẻ em, Tanabata gắn liền với những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ. Ở trường hay cả ở nhà, trẻ em Nhật Bản sẽ cùng nhau trang trí cho các cành trúc, rồi treo lên đó những mảnh giấy ghi những điều mơ ước !

Mì Somen ăn trong ngày Tanabata – Nguồn ảnh Internet

Đặc biệt, trong ngày này những người yêu nhau sẽ đến đền thờ Thần đạo Shinto (神社) để cầu nguyện bên nhau trọn đời, những ai cô đơn sẽ  cầu nguyện mong tìm thấy ý trung nhân. Món ăn đặc biệt trong ngày lễ này là mì soumen lạnh. Người Nhật quan niệm rằng những sợi mì somen này giống như những sợi tơ mà công chúa đã dệt trong những ngày chờ chồng.

Nguồn Ảnh: Internet

Ở Nhật nơi nào cũng tổ chức ngày lễ Tanabata nhưng lớn nhất là 3 thành phố Sendai (tỉnh Miyagi), thành phố Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và thành phố Anjou (tỉnh Aichi). Có khoảng 1000-1500 cây tre đuợc sử dụng để trang trí cho lễ hội ở Hiratsuka hoặc Sendai. Hàng năm, có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với Sendai trong dịp Tanabata Matsuri. Người dân địa phương gọi lễ hội này bằng một cái tên thân mật và được nhân cách hóa là Tanabata-san nghĩa là anh (chị) Tanabata.

LIKE Facebook của Mira Chan’s Kitchen để cập nhật thêm nhiều bài viết về văn hoá Nhật Bản nhé !

Tác giả: Mira Chan

Bài viết cùng tác giả

Bài viết cùng chuyên đề:

Bài viết liên quan