Đồ chơi trẻ em có giới tính hay không

Đồ chơi trẻ em có giới tính hay không ?

Gần đây, vợ chồng Mira gặp vấn đề này, đó là em Gấu Sumo rất thích các trò chơi nhà bếp, rửa chén, nấu ăn. Dắt vào siêu thị đồ chơi thì vội xà vào kệ bếp, xào xào nấu nấu. Đi mẫu giáo thì em cũng thích cái quầy nấu ăn bằng gỗ dễ thương để trong trường. Mira nghĩ do em hay thấy mẹ làm bếp rồi bắt chước theo, nhưng chồng mình thì lại lo lắng vì sao em là con trai mà không thích siêu nhân, xe hơi. Hỏi các Cô dạy trẻ thì Cô nói rằng chuyện này bình thường thôi không liên quan gì đến giới tính của các em hết. Hầu như em bé nào, cả trai lẫn gái đều thích chơi các trò nhà bếp vì đó là những hình ảnh đầu tiên mà bé cập nhật được từ việc làm hằng ngày của mẹ.

Đồ chơi trẻ em có giới tính hay không

Nhưng chồng Mira vẫn cảm thấy không thuyết phục, anh vẫn thấy lo lắng… Vì đồ chơi ngoài cửa hàng bày bán thường có phân biệt rõ ràng đồ chơi cho bé trai hay bé gái. Như vậy có nghĩa là đồ chơi cũng được phân biệt rõ giới tính ư, bức xúc quá nên Mira quyết tìm hiểu về kĩ về vấn đề này và tìm được sự thật như sau …

Sự thật là điều rất hiển nhiên… đồ chơi thì làm sao mà có giới tính được, tất nhiên rồi vì đó là những vật vô tri vô giác được tạo ra bởi con người mà… Nhưng cũng chính đầu óc của con người đã sáng tạo thêm giới tính cho đồ chơi. Cụ thể con người ở đây chính là các nhà sản xuất đồ chơi và các chuyên gia Marketing sản phẩm. Với mục đích giúp người tiêu dùng là các bậc phụ huynh cha mẹ có thể quyết định lựa chọn cho con dễ dàng hơn, nhiều nhà sản xuất đồ chơi đã hướng sản phẩm đến 2 phân khúc rõ ràng : cho bé trai và bé gái. Việc phân khúc thị trường như vậy rất có lợi cho nhà sản xuất trong việc giúp định hướng người tiêu dùng, cắt giảm chi phí và ổn định lợi nhuận.

Tuy nhiên việc toan tính của người lớn cũng chỉ giúp mang lợi ích cho người lớn mà thôi. Còn đối với các bé nhỏ thì việc đồ chơi được gắn giới tính vô tình sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Mira trích dẫn một số ví dụ như sau :

+ Màu sắc đồ chơi : Thay vì có đủ các màu của sắc cầu vồng, nhiều loại đồ chơi chỉ có hai màu xanh nước biển Blue cho bé trai, hồng Pink cho bé gái. Nói chung có hai màu thì khi mẹ mua đồ lựa cũng dễ nhưng sẽ hạn chế bé trong việc tiếp cận với nhiều luồng màu sắc khác nhau, từ đó giảm trí tưởng tượng, sự sáng tạo và cá tính của bản thân.

+ Chức năng của đồ chơi : Nhiều loại đồ chơi cũng dán nhãn bé gái, sơn màu hồng cho các loại đồ chơi đầu bếp, búp bê, nấu ăn. Còn các loại như xe hơi, xếp hình, robot thì lại quy định của bé trai. Điều này rất ảnh hưởng tâm lý của một số bậc cha mẹ, ví dụ như chồng mình. Khi lựa đồ chơi cho con, anh không dám mua những loại đồ chơi cho bé gái vì sợ sẽ ảnh hưởng đến giới tính, tâm lý của con. Nhưng anh đâu biết rằng, đến tận 5 tuổi thì trẻ em lựa đồ chơi không phải vì do nhận thức về giới tính của mình mà do sự tò mò, muốn tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh mà thôi.

+ Nghề nghiệp của đồ chơi: Điều này thì càng vô lý khi một số loại đồ chơi quy định rõ bé gái thì làm y tá, đầu bếp, công chúa …còn bé trai thì làm kỹ sư, tài xế, siêu nhân … Vậy thì chẳng khác nào là từ trong trứng nước các loại đồ chơi này đã tạc vào đầu các bé sự phân biệt và bất bình đẳng giới tính trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong xã hội sau này ?

Và trên hết , tất cả những điều này sẽ làm tuổi thơ của bé Mất Vui và Mất Vô tư !

Do vậy, nhiều phong trào trên thế giới đã kêu gọi các nhà sản xuất đồ chơi hãy trả lại sự trung tính cho đồ chơi. Let Toys Be Toys! Ví dụ như không dán nhãn mác phân biệt giới tính, sử dụng đủ các loại màu bảy sắc cầu vồng chứ không chỉ có hai màu Pink và Blue. Hay phân loại đồ chơi theo khả năng giúp bé rèn luyện và phát triển như Đồ chơi làm bếp, nấu ăn giúp bé nhận thức về ngôn ngữ và sớm cập nhật những hoạt động thực tiễn trong cuộc sống. Chơi búp bê sẽ giúp bé phát triển tình cảm yêu thương, biết lo lắng, quan tâm, chăm sóc người khác. Các loại đồ chơi lắp ráp ghép hình thì giúp phát triển trí tưởng tượng, tính logic…

Và điều quan trọng là các vị phụ huynh cũng đừng để toan tính của các nhà kinh doanh mà làm đầu óc mình thêm “tăm tối” rồi vô tình làm tuổi thơ của bé bị mất vui nha !

PS: Trong ảnh bé Gấu đang chơi trò nhà bếp ké trong siêu thị. Quầy nhà bếp này của hãng đồ chơi nổi tiếng BorneLund của Israel, giá khá đắt nên chắc họ cũng quan tâm đến vấn đề nhạy cảm này nên đồ chơi không có các màu Pink hay Blue, mà là các màu sáng, trung tính hay bằng gỗ. Đồ chơi cũng được phân loại theo chức năng chứ không phải theo giới tính cho bé trai hay gái. Tuy nhiên ngoài thị trường những loại đồ chơi rẻ tiền và bình dân hơn thì không được như vậy hic…

——————

Mời bạn tham khảo qua một số bài viết khác tại : Nuôi con kiểu Nhật Chăm sóc em bé

Tác giả: Mira Chan

Bài viết cùng tác giả

Có thể bạn quan tâm

Bài viết liên quan