Bánh này mới nhìn thoạt tưởng giống bánh cam ở nhà mình hen các bạn, nhưng không phải vậy mà là bánh Goma Dango, 1 loại bánh của người Hoa nhưng rất phổ biến ở Nhật và được xem như 1 loại Wagashi của Nhật luôn. Nếu các bạn vào các quán ăn Tàu , đặc biệt khi ăn Dim Sum , sẽ thường thấy có món Goma Dango này cho nằm trong vỉ tre, giống mấy món bánh bao, há cảo khác. Món Goma Dango truyền thống của người Hoa bên trong hay có mè đen, còn khi được biến tấu thành bánh Nhật thì có thể cho đậu đỏ vào bên trong nhân hay như bánh mình làm hôm nay thì trộn khoai lang vàng của Nhật với bột shiratama nên bột bánh bánh vàng ươm, dẻo dẹo và bùi bùi thơm mùi khoai.

Goma dango

 Bánh Goma Dango chiên trong dầu nóng nên chiên xong ăn liền rất ngon, vì lớp vỏ nếp phủ đầy mè sẽ phồng lên, giòn rụm luôn. Cắn 1 cái thì lớp nếp vàng ươm bên trong sẽ xịt ra mềm và dẻo, bùi bùi vị khoai lang, ngon phải biết !

Xem thêm các công thức chế biến Bột Shiratamako – Bột bánh nếp Mochi

Sau đây mời bạn tham khảo công thức Goma dango

Nguyên liệu

100 g bột Shiratama

120 g khoai lang

2 tablespoon đường

100 ml nước ấm

1 ít mè trắng

Cách làm

1. Khoai lang gọt vỏ, cắt khoanh khoảng 1 cm rồi cho vào tô, cho vào microwave quay trong 2 phút cho chín mềm. Hoặc nếu ko có micro wave thì cho vào tô , rồi cho vào nồi hấp cho khoai chín mềm.

2. Sau đó cho khoai vào tô, dùng chày giã cho nát nhuyễn ra.

3. Tiếp theo cho 2 table spoon đường vào trộn đều với khoai.

4. Bột shiratama cho vào thau rồi dùng chày giã nhuyễn , vì bột shiratama ban đầu có hột rất to nên ta phải giã cho nhuyễn ra.

5, Sau đó trộn bột shiratama vào thau đựng khoai lang ở mục 3, trộn bột và khoai hòa  cho đều.

6. Tiếp theo cho 50 ml nước ấm vào hỗn hợp ở mục 5 , trộn cho nước thấm đều với bột. Rồi cho tiếp hết phần nước còn lại vào dùng tay nhào cho bột và khoai tan đều và thành 1 khối bột thiệt mịn.

7. Sau đó chia bột thành 8 phần vo thành viên tròn. Nhớ chia đều 8 phần , chứ đừng vo viên bột to quá, vì hồi nữa khi chiên thì viên bột nở ra rất to.

8. Cho mè trắng ra mâm rồi vẩy 1 tí nước lên từng viên bột (để mặt bột có độ dính) rồi lăn bột qua mè trắng để viên bột thấm đều mè.

9. Cuối cùng cho dầu vào chảo, cho dầu nhiều ngập mặt bột. Khi nhiệt độ dầu tăng đến khoảng 160 độ C thì cho viên bột mè vào chiên, để lửa nhỏ riu riu cho viên bột chín đều từ trong ra ngoài và lớp mè phủ bên ngoài không bị cháy khét.

Khi lớp mè bên ngoài chuyển sang màu vàng đậm là Ok !

Bánh ăn nóng mới ngon vì lớp nếp thấm mè phòng lên giòn rụm, còn lớp nếp bên trong thì nóng hổi và mềm ngon phải biết !

Tác giả: Mira Chan

Bài viết cùng tác giả

Có thể bạn quan tâm

Bài viết liên quan