Furiitaa hay Freeter

Furiitaa hay Freeter – Họ là ai ?

Furiitaa フリーター hay Freeter là tên gọi của một bộ phận lao động ở Nhật, có thể được xem là những người thuộc tầng lớp kém may mắn và bị đối xử bất công nhất trong môi trường lao động ở cái xứ này.

Furiitaa hay Freeter

Ở Nhật trong công ty, theo cơ bản sẽ có 2 loại hợp đồng lao động, đó là Seishain 正社員, nhân viên được kí hợp đồng chính thức, được hưởng đầy đủ các chế độ như trợ cấp tiền nhà, tiền vận chuyển, trợ cấp tiền thôi việc, bảo hiểm, tiền hưu ..vân vân . Ngoài ra, còn có 1 loại hợp đồng lao động khác là Arubaito – tức part time job, nhân viên làm việc được tính theo giờ, làm bao nhiêu trả bấy nhiêu, hết giờ là về , không có dính líu gì hết với công ty cũng như không được hưởng bất kì trợ cấp phụ nào khác.

Những người làm việc Arubaito lại được chia ra 3 thành phần cơ bản, đó là Sinh viên , Nội trợ và Furiitaa (Freeter). Sinh viên là những người đang đi học,, được nhà nước trợ cấp bảo hiểm y tế cũng như cha mẹ lo cho đầy đủ cuộc sống, tiền học hay những yếu tố khác nên chỉ đi làm part time để kiếm thêm tiền xài vặt. Nội trợ là những người có chồng là Seishain, nhân viên chính thức của một công ty nào đó nên được hưởng đầy đủ các trợ cấp bảo hiểm và tiền hưu theo chồng.

Còn Freeter là những người thuộc thành phần còn lại, không còn đi học mà là shakaijin – người đi làm nhưng lại không được công ty kí hợp đồng chính thức để trở thành seishain, mà cũng chưa kết hôn để được rơi vào thành phần Nội trợ hoặc là kết hôn với một người cũng là Freeter như mình, nên cũng không được hưởng theo partner bất kì trợ cấp nào khác.

Như chúng ta biết thì Sinh viên mà đi làm Part time cũng là chuyện bình thường, còn các bà nội trợ ở Nhật thì thường ít khi đi làm công ty chính thức, mà chỉ làm Part time để sau đó có thời gian ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái. Vậy những Freeter, họ không bận đi học, mà cũng không phải lo gia đình vậy tại sao không đi làm chính thức, mà chỉ làm những việc lặt vặt với thu nhập kém như vậy ? Công việc không chọn họ họ không chọn công việc ?

Ngày xưa ở Nhật, trong các công ty hầu như chỉ có seishain – nhân viên chính thức, chứ không có nhiều người làm arubaito hay các Freeter. Tuy nhiên, từ những năm 1990, khi nền kinh tế bong bóng ở Nhật phình to dẫn đến sự xuất hiện của nhiều cửa hàng convienient store hay nhiều nhu cầu lao động tạm thời để làm những việc lặt vặt thì những công việc Part time – Arubaito cũng bắt đầu có từ đấy. Lúc bấy giờ, những công việc Arubaito được xem như một biểu tượng về sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế giúp tạo thêm nhiều nhu cầu và đa dạng hóa thị trường lao động. Tuy nhiên, cuối những năm 90, khi nền kinh tế bong bóng ở Nhật sụp đổ, dẫn đến sự phá sản của nhiều công ty và nền kinh tế suy thoái trầm trọng, sự ra đời của những Freeter lại là 1 cứu cánh tuyệt vời cho các công ty Nhật trong việc giảm bớt gánh nặng về chi phí thuê nhân công; nhưng lại là một cú tát đối với tầng lớp lao động ở Nhật, đặc biệt là những bạn trẻ, mớt tốt nghiệp ra trường trong thời điểm suy thoái kinh tế và không tìm được việc làm hay tương lai cho bản thân

Có người cho rằng chính cựu thủ tướng Junichiro Koizumi là kiến trúc sư cho mô hình Freeter ở Nhật, khi Đảng Jiminto 自民党 của ông đã ban hành luật cho phép các công ty ở Nhật được quyền thuê nhân viên làm Arubaito hay những Freeter để làm việc trong công ty, mà không cần phải kí hợp đồng để tạo điều kiện cho họ trở thành những nhân viên chính thức với đầy đủ những trợ cấp như những người khác.

Họ đã biện minh cho rằng hình thức làm việc Freeter sẽ giúp cho các bạn trẻ có nhiều tự do trong lựa chọn công việc tương lai của mình vì họ không bị bất kì ràng buộc nào với công ty, do vậy nếu không thích thì có thể dễ dàng nghỉ việc, để kiếm việc làm khác.

Nhưng ở một xã hội còn chứa đựng nhiều suy nghĩ bảo thủ như Nhật Bản, một khi bạn tốt nghiệp ra trường mà không được nhận vào công ty để làm việc chính thức, mà phải dấn thân trở thành những Freeter thì tương lai của bạn xem như khó mà có thể làm lại từ đầu để xin việc làm ổn định ở những công ty khác.

Thay vào đó, lợi thế thuộc về các công ty, khi họ được quyền cắt giảm lượng nhân viên chính thức và tăng số lượng tuyển dụng những người làm Arubaito. Do vậy, nhiều bạn trẻ Nhật Bản sau khi tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn khi tìm kiếm những việc làm ổn định tại các công ty, và nhiều người đành phải chọn con đường Freeter để có thể kiếm tiền chăm lo cho cuộc sống của mình. Hầu như những bạn trẻ tốt nghiệp ra trường mà không kiếm được việc làm ổn định, sẽ chọn sống chung với cha mẹ, thay vì dọn ra riêng để tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt cuộc sống hằng ngày.

Bên cạnh những người bị buộc phải trở thành những Freeter vì sự suy thoái của kinh tế và thị trường lao động ở Nhật thì cũng có nhiều người tự nguyện chọn trở thành Freeter là tên gọi của một bộ phận lao động ở Nhật. Ở bên đây, rất nhiều bạn trẻ khi đi làm không chịu nổi cảnh bị Sếp la mắng hay những kĩ luật của công ty nên quyết định xin nghỉ việc để làm những việc Arubaito cho thoải mái, mà không cần phải bận tâm đến mối quan hệ đồng nghiệp hay với Sếp.

Ví dụ: một người họ hàng trong gia đình chồng mình vốn là con nhà cũng khá giả, lúc đi học mặc dầu học không khá lắm nhưng cũng được gia đình lo cho học trường tư đắt tiền, rồi chu cấp đầy đủ tiền sinh hoạt cho cuộc sống, mua xe hơi sports car cho chạy khi còn là sinh viên. Vậy mà đến khi tốt nghiệp ra trường đi làm chính thức được vài năm thì anh này trở nên chán nản rồi nghỉ làm để chọn làm việc part time là bảo vệ của 1 công ty ! Thiệt là khó hiểu .Gia đình của anh rất lo lắng cho tương lai con trai vì thu nhập của anh rất thấp không đủ trang trải cho cuộc sống và gia đình. Nhưng gia đình có nói gì đi nữa thì đó cũng là quyết định của anh ta cho cuộc đời của mình rồi !

Ngoài ra, cũng có nhiều người chọn làm Freeter để có thời gian theo đuổi ước mơ của mình, đặc biệt là những người muốn trở thành ca sĩ, nghệ sĩ hay những công việc đặc biệt, chứ không phải những việc văn phòng hằng ngày ở công ty. Có những câu chuyện rất phổ biến bên Nhật như nghệ sĩ kịch hài ấy lúc thời gian đầu mới vào nghề thì vừa đi diễn vừa đi làm cashier trong mấy convenient store, hay anh ca sĩ đó trước kia là tài xế xe tải vân vân ….

Hôm nay viết tới đây thui, mời các bạn đón xem phần 2: Những bất công của xã hội dành cho những Freeter

————————–

Mời bạn tham khảo một số bài viết khác tại : Xã hội và con người Nhật Bản

Tác giả: Mira Chan

Bài viết cùng tác giả

Có thể bạn quan tâm

Bài viết liên quan