những công ty lâu đời - cover

Những công ty lâu đời nhất thế giới – Tại sao phần lớn đều ở Nhật Bản?

Những công ty lâu đời đến cả thế kỷ không hề hiếm tại Nhật. Khi khắp nơi trên thế giới – kể cả Việt Nam – đang sôi sục với làn sóng “start-up” hay còn gọi là “khởi nghiệp” thì ở Nhật Bản, vẫn tồn tại những công ty lâu đời với tuổi thọ lên đến hàng thế kỷ. Làm thế nào những công ty này vẫn có thể tồn tại được? Và nó có ý nghĩa như thế nào đến tương lai của đất nước Nhật Bản?

Nước Nhật đang thay đổi: một xã hội già đi nhanh chóng, lượng khách du lịch từ nước ngoài liên tục phá kỷ lục, một quốc gia sử dụng nhiều robot hơn bao giờ hết. Đây là xã hội mà người trẻ Nhật Bản đang phải dấn thân vào. Họ sẽ làm gì để có thể tiếp tục phát triển kinh tế đất nước, đồng thời vẫn giữ được truyền thống lâu đời của quốc gia mình?

Tiệm trà gần 900 năm tuổi ở Kyoto !

Các bạn có biết, có đến 33.000 công ty có tuổi thọ ít nhất 100 năm ở Nhật Bản. Nếu có dịp du lịch đến đây, bạn chắc hẳn sẽ tìm được thông tin của ít nhiều những cửa tiệm lâu đời được khách du lịch truyền tai nhau và liệt vào hàng “nhất định phải thử”. Một trong những thương hiệu đó là Tsuen Tea – một tiệm trà nhỏ nằm ở góc phố có hướng nhìn ra sông và cầu ở Kyoto – thành cổ nổi tiếng ở Nhật Bản. Đến đây, bạn có thể tận hưởng thức uống trà xanh và kem trong khung cảnh yên bình cổ kính của toà thành lâu đời này.

những công ty lâu đời - quán trà

Ảnh nguồn worldkings.org

Một điều đặc biệt là tiệm trà này đã có từ năm 1160, tức là nó đã có tuổi thọ đến 850 năm rồi đấy! Đây được xem là tiệm trà lâu đời nhất thế giới còn hoạt động. Hiện tại, quán trà đang được điều hành bởi anh Yusuke Tsuen – 38 tuổi. Anh cho hay “Chúng tôi tập trung vào trà và tiệm trà chưa từng mở rộng quá mức bao giờ. Đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn còn tồn tại”.

Có lẽ, sự tồn tại của một tiệm trà gần 900 năm tuổi tại một thành phố cổ kính nổi tiếng với truyền thống xưa cũ và nghề thủ công cũng không quá ngạc nhiên. Nhưng điều đáng kinh ngạc là Tsuen không phải là thương hiệu lâu đời duy nhất. Năm 2008, Ngân hàng Hàn Quốc đã có một báo cáo trong đó nói rằng, trên tổng số 5.586 công ty có tuổi đời hơn 200 năm tại 41 quốc gia, có đến 56% trong số đó đều nằm ở Nhật. Năm 2019, có hơn 33.000 công ty ở Nhật Bản có tuổi thọ hơn một thế kỷ (theo báo cáo của Teikoku Data Bank).

Khách sạn lâu đời nhất thế giới thành lập năm 705 tại Yamanashi và tiệm Ichimonjiya Wasuke đã bán đồ ngọt ở Kyoto từ năm 1000. Công ty xây dựng có trụ sở ở Osaka là Takenada được thành lập năm 1610 , thậm chí có những công ty lâu đời quốc tế có gốc tại Nhật Bản như Suntory và Nintendo cũng có lịch sử hoạt động từ những năm 1800.

Vậy, điều gì khiến Nhật Bản lại là quốc gia có nhiều công ty lâu đời đến vậy? Và trong kỷ nguyên toàn cầu hoá, khi các công ty khởi nghiệp dần xoá nhoà ranh giới như điện xẹt, liệu chúng ta học hỏi được gì từ những doanh nghiệp này?

Bí quyết tồn tại : Tôn trọng truyền thống

Những công ty/cửa hàng tồn tại lâu đời ít nhất 100 năm được gọi là 老舗 (shinise – tạm dịch: cửa hàng lâu đời). Yoshinori Hara – một giáo sư tại trường đại học Kyoto – đã từng làm việc tại thung lũng Silicon trong hơn một thập kỷ cho rằng các công ty Nhật Bản chú trọng vào sự ổn định hơn là tối đa hoá lợi nhuận một cách nhanh chóng. Đây cũng là một trong những lý do mà các công ty toàn quốc có thể duy trì sức mạnh bền bỉ như vậy. Họ vận hành công ty theo hướng bền vững để có thể truyền cho các thế hệ sau này tiếp tục và duy trì nó.

Việc tiếp nối và duy trì công việc kinh doanh của gia đình cũng giống như việc bạn bảo vệ một “di sản” của tổ tiên. Trở lại câu chuyện tiệm trà Tsuen ở trên, người điều hành tiệm trà hiện nay kể rằng, có rất nhiều người bạn thời thơ ấu của anh cũng xuất thân trong một gia đình sở hữu công ty có tuổi thọ hàng thế kỷ. Với anh, và cả với họ, việc tiếp tục duy trì việc kinh doanh của gia đình thậm chí là điều hiển nhiên.

những cônnhững công ty lâu đời - quán trà Tsueng ty lâu đời - quán trà Tsuen

Ảnh nguồn BBC.com

Đây không phải là việc kinh doanh mà tôi bắt đầu. Tôi chỉ đang tiếp tục duy trì việc kinh doanh mà tổ tiên tôi đã tạo dựng. Nếu tôi không nối nghiệp, di sản này coi như kết thúc” – Tsuen bộc bạch. “Khi còn bé, như ở trường mẫu giáo hay cấp một gì đó, bạn sẽ được hỏi những câu đại loại như ước mơ của bạn trong tương lai là gì. Tôi nghĩ ngay đến việc tiếp tục việc kinh doanh của gia đình. Điều này như thể là việc hiển nhiên vậy“.

Ngoài ra, việc là một quốc đảo khá hạn chế trong việc tiếp xúc với các nước khác khiến cho người Nhật có mong muốn tận dụng những gì họ có lâu nhất có thể bằng cách bảo tồn các công ty địa phương trong cộng đồng.

Rất nhiều công ty gia đình lâu đời vừa và nhỏ tập trung ở các ngành dịch vụ khách sạn và ăn uống, giống như quán trà Tsuen chẳng hạn. Một số công ty thậm chí cũng được hưởng lợi từ phong tục đón nhận những nhân viên nam vào gia đình nhằm đảm bảo sự bền vững của công ty. Thậm chí có những doanh nghiệp lớn như Suzuki Motor và Panasonic cũng từng làm điều tương tự. Đối với họ, việc duy trì lâu dài công việc kinh doanh của gia đình là một ý chí mang tính di truyền.

Gía trị cốt lõi : Khách hàng là thượng đế

Một nơi khác ở Kyoto, một công ty shinise khác cũng lâu đời như quán trà Tsuen nhưng có quy mô lớn hơn nhiều: công ty trò chơi video Nintendo. Công ty nổi tiếng toàn cầu nhờ việc cách mạng hoá việc giải trí tại gia với trò chơi điện tử vào năm 1985.

Ai cũng biết Nintendo là công ty công nghệ nổi tiếng toàn cầu, nhưng không phải ai cũng biết rằng Nintendo được thành lập từ năm 1889 với việc sản xuất bài hoa của trò chơi hanafuda – trò chơi được du nhập từ Bồ Đào Nha hồi thế kỷ thứ 16. Người chơi sẽ thu thập những lá bài có in hình hoa và mỗi loài hoa sẽ có điểm khác nhau. Vậy nhưng ít ai ngờ rằng chỉ vài năm sau đó, công việc kinh doanh trò chơi của họ lại được mở rộng mạnh mẽ và tạo ra một đế chế to lớn như bây giờ.

những công ty lâu đời - Nintendo

Ảnh nguồn Dennis MacDonald – BBC.com

Nintendo là một ví dụ điển hình cho việc một công ty tập trung vào năng lực kinh doanh cốt lõi – hiểu nôm na ở đây là giá trị đằng sau toàn bộ hoạt động của công ty, giúp công ty sống sót và thậm chí phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ công nghệ thế giới thay đổi. Trường hợp của Nintendo, giá trị cốt lõi họ hướng đến chính là “làm thế nào để tạo nên niềm vui”.

Bên cạnh các giá trị cốt lõi lâu đời, nhiều doanh nghiệp khác còn được truyền lại qua rất nhiều thế kỷ với tâm niệm mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và xã hội. Tại Kyoto, có nhiều doanh nghiệp lâu đời cũng tập trung vào việc cống hiến dịch vụ khách hàng thật tốt, và xem đó là chìa khoá cho sự phát triển kinh doanh.

những công ty lâu đời - Hiiragiya

Ảnh nguồn wsj.com

Đặc biệt tiêu biểu cho các doanh nghiệp này chính là các nhà trọ truyền thống Nhật Bản, nơi mà chủ nhà trọ đối xử với khách hàng như người thân trong gia đình. Gia đình của Akemi Nishimura đã sở hữu và điều hành Hiiragiya – một nhà trọ lâu năm ở Kyoto – trong hơn 6 thế hệ. Hiiragiya đã từng chào đón nhiều vị khách nổi tiếng trong lịch sử như Charlie Chaplin và Louis Vuitton. Nhà trọ này đã kỷ niệm 200 năm thành lập vào năm 2018, với triết lý kinh doanh là omotenashi – dịch vụ khách hàng cao cấp tại nhà trọ. Chính những giá trị mà họ mang lại đã giúp đưa Hiiragiya trở thành một trong những nhà trọ ưu tú trong khu vực, vượt xa các bên kinh doanh nhà trọ khác.

Công ty lâu đời ở Nhật vs. Khởi nghiệp Start-up

Việc duy trì được công cuộc kinh doanh qua bao thế kỷ là điều đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế đang thay đổi chóng mặt, khi khắp nơi sôi sục với việc khởi nghiệp thì các thương hiệu lâu đời này bị xem là chậm đổi mới so với bối cảnh hiện tại, dù cho việc này đang dần được cải thiện.

Mari Matsuzaki – 27 tuổi cho biết “Việc khởi nghiệp kinh doanh và được chấp nhận trong hoàn cảnh hiện tại là một thách thức, vì cách nhìn nhận về start-up của những người làm việc lâu đời tại các shinise là rất khác. Tôi đã phải rất khó khăn để giải thích và chia sẻ với bố mẹ cũng như bạn bè mình về việc tôi làm gì và làm ở đâu“. Hiện tại, cô đang làm tại Queue – công ty start-up trong lĩnh vực công nghệ giáo dục có trụ sở ở Tokyo.

 

Sau khi tốt nghiệp, tôi gần như là người duy nhất trong khoá quyết định dấn thân vào con đường start-up“, cô nói. “Trong khi ở các quốc gia khác, những nhà sáng lập sẽ được ca ngợi về việc biến thất bại thành những kinh nghiệm quý giá, thì ở Nhật Bản, tư duy chủ đạo của họ đối với rủi ro và thất bại là một cuộc chiến đầy khó khăn và đáng sợ“.

 

Michael Cusumano – giáo sư tại Học viện công nghệ Massachusetts cho biết “Việc đóng cửa công ty hoặc bán công ty được xem là thất bại và là nỗi xấu hổ ở Nhật Bản. Và việc này đã tồn tại hàng thế kỷ nay. Vấn đề về văn hoá này cũng là động lực để các gia đình duy trì các công ty qua nhiều thế hệ“. Ông nói “Xã hội Nhật Bản, và cả kinh tế nước này không linh hoạt như Hoa Kỳ, và Nhật Bản cũng không sản sinh ra nhiều doanh nghiệp lớn dễ dàng. Xu hướng chủ đạo ở đây là bảo tồn những gì họ đang có“.

Nhưng, những công ty lâu đời shinise cũng không thể miễn dịch với các khó khăn và thách thức của thời đại mới. Kongo Gumi – một công ty xây dựng thành lập năm 578 đã có tuổi thọ lên đến hơn 1.400 tuổi trước khi bị giải thể năm 2006 do nợ nần. Trong tương lai, Matsuzaki cho rằng việc kết hợp sức mạnh của hai mô hình kinh doanh sẽ mang lại lợi thế lớn. “Chìa khoá ở đây sẽ là việc thúc đẩy sự kết hợp giữa các công ty shinise và start-up. Sức mạnh của các công ty shinise là nguồn lực, danh tiếng trong ngành, mối quan hệ rộng rãi. Khi kết hợp các công nghệ mới và khả năng ra quyết định nhanh chóng với shinise, các start-up có thể trở thành vũ khí lợi hại cho tương lai của nền kinh tế Nhật Bản“.

Trở lại câu chuyện về quán trà Tsuen Tea, hiện nay, người chủ của tiệm không có mục tiêu cao cả như vậy. “Tôi tình cờ được sinh ra nơi đây. Tổ tiên tôi đã duy trì việc kinh doanh trà và tôi đang tiếp nối truyền thống đó. Mục tiêu của tôi không phải là biến công ty trở nên lớn hơn hay mở rộng doanh số, hay việc đi ra thế giới. Việc quan trọng nhất đối với tôi là chỉ là duy trì như hiện tại mà thôi“.

Nguồn: Dịch theo BBC

 

Theo dõi Facebook Mira Chan’s Merry Shop để cập nhật nhiều thông tin sản phẩm và khuyến mãi về hàng nội địa Nhật các bạn nhé!

Avatar
Tác giả: Lê Hoà

Bài viết cùng tác giả

Có thể bạn quan tâm

Bài viết liên quan