nêm nếm gia vị

Những loại gia vị nào mà mẹ có thể nêm vào đồ ăn dặm của bé?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em dưới 1 tuổi nên hạn chế lượng muối, đường và bột ngọt tiêu thụ trong mỗi bữa ăn. Vậy, có phải khi nấu thức ăn cho con, mẹ không cần nêm nếm thêm bất cứ thứ gì? Hay những loại gia vị nào mà mẹ có thể nêm vào đồ ăn dặm của bé?

Thức ăn dặm cơ bản là thức ăn lạt. Đặc biệt khi bé mới bước vào giai đoạn ăn dặm thì mẹ tuyệt đối không nêm nếm các loại gia vị vào thức ăn của bé.

Tuy nhiên khi đã quen với việc ăn dặm, thì bé sẽ cảm thấy chán khi thức ăn của nó chỉ có mỗi một vị. Trong trường hợp này, nhiều mẹ sẽ tự hỏi rằng liệu lúc này có được thêm gia vị vào món ăn của bé không?

Bài viết này Mira sẽ giới thiệu những gia vị và thời gian mà các mẹ có thể sử dụng chúng mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Gia vị nào có thể nêm vào thức ăn cho trẻ? Khi nào thì mẹ có thể sử dụng nó?

nêm nếm gia vị

Mặc dù theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc Lợi Nhật Bản thì không cần thêm bất cứ gia vị vào lúc trẻ bắt đầu ăn dặm, nhưng nhiều bà mẹ Nhật vẫn nói rằng có thể sử dụng gia vị như muối và đường với trọng lượng ít tùy theo lượng thức ăn của trẻ.

Ở đây, Mira sẽ giới thiệu đến các mẹ thời gian và trọng lượng có thể được sử dụng cho mỗi gia vị, nhưng không nhất thiết bạn phải sử dụng nó.

1. Dầu ôliu – Bơ

Mẹ có thể sử dụng gia vị Dầu Oliu và bơ để cung cấp chất béo và dầu khi trẻ được khoảng từ 7 – 8 tháng tuổi. Lượng dùng từ 1/4 muỗng cà phê (1g).

Khi sử dụng bơ các mẹ lưu ý vì bơ bình thường có rất nhiều muối, do đó mẹ nên chọn loại bơ không muối.

2. Đường

Đường có trong các loại thực phẩm khác nhau như trái cây, rau quả dưới dạng đường tự nhiên đã đủ để cung cấp cho nhu cầu của cơ thể bé.

Ngoài ra cũng có nghiên cứu cho rằng tình trạng dư thừa đường có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của bé. Thậm chí, có thể gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì khi trẻ trưởng thành.

Do vậy khi không có đủ vị ngọt, mẹ có thể lựa chọn cách trộn khoai lang, bí đỏ, táo, nấm hoặc nước trái cây thay thế.

3. Muối

Muối sẽ gây áp lực lên cơ quan thận chưa phát triển của bé. Vì vậy trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, các mẹ không được nêm nếm muối vào thức ăn của trẻ cho đến khi trẻ ngoài 3 tuổi. Việc làm này giúp bảo vệ thận của trẻ khỏi việc phải làm việc quá sức khi vẫn còn non yếu.

Đặc biệt, khi trẻ dưới 1 tuổi mẹ không được cho bé ăn thêm một hạt muối nào. Lúc này, cơ thể bé chỉ cần ít hơn 1g muối/ ngày, và lượng muối này đã được cung cấp đủ trong sữa mẹ hoặc sữa bột.

4. Xì dầu (hay còn gọi là nước tương)

Vì trong nước tương có hàm lượng muối cao, nên mẹ tránh sử dụng nó ở giai đoạn ăn dặm đầu của trẻ cũng như muối. Ngoài ra, vì nó được chế biến từ đậu nành nên mẹ cũng nên để ý đến vấn đề dị ứng đậu nành mà bé sẽ gặp phải.

Về cơ bản, mẹ vẫn có thể sử dụng nó khi bé được 9 đến 11 tháng tuổi nhưng với một lượng rất nhỏ: từ 1 đến 2 giọt  hoặc khoảng 1/3 muỗng cà phê khi bé được 1 năm tuổi.

5. Sốt cà chua

Cà chua tuy là thực phẩm ăn dặm bổ dưỡng dành cho bé, nhưng mẹ không nên cho trẻ ăn quá sớm, đặc biệt là khi trẻ chưa được 7 tháng tuổi. Vì nồng độ axit trong cà chua có thể tổn hại đến hệ tiêu hóa chưa được phát triển toàn diện và đầy đủ của trẻ.

Khi trẻ được 7 – 8 tháng tuổi, các mẹ có thể sử dụng nước sốt cà chua nhưng hãy sử dụng nó với số lượng rất nhỏ thôi nhé.

6. Mayonnaise

Thành phần của Mayonnaise chứa trứng, dấm, dầu. Trứng rất dễ gây dị ứng cho trẻ.

Nếu con bạn không bị các chứng dị ứng, thì mẹ có thể sử dụng một lượng rất nhỏ Mayonnaise khi con bạn được khoảng 9 đến 11 tháng tuổi. Tuy nhiên, Mira khuyên các mẹ nên sử dụng Mayonnaise lớn hơn 1 tuổi nhé.

7. Miso

Miso có thể được sử dụng một lượng nhỏ (khoảng 1/6 muỗng cà phê) khi trẻ  được 9 đến 11 tháng tuổi.

Mẹ phải làm gì khi không thể nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm?

Nhiều mẹ khi gặp phải tình cảnh con không chịu ăn dặm, liền nghỉ ngay đến việc thức ăn dặm của con quá lạt lẽo, không ngon nên vội vàng sử dụng thêm gia vị.Trước khi cân nhắc sử dụng gia vị, mẹ có thể áp dụng các cách sau nhé:

Sử dụng món soup hoặc canh

Ngay cả khi không có gia vị, nếu mẹ dùng soup hoặc các món canh rau phù hợp thì cũng có thể thay đổi khẩu vị bữa ăn của bé. Mẹ cũng nên sử dụng nước dùng Dashi trong khi chế biến giúp bổ sung thêm nhiều hương vị cho món ăn.

Đối với nhiều mẹ bận rộn thì sẽ rất khó để nấu một ít súp cho mỗi lần ăn, vì vậy mẹ nên nấu nhiều và sử dụng cách đông lạnh thức ăn dặm. Sau đó mỗi lần ăn, mẹ chỉ việc lấy ra một ít, rã đông và cho trẻ ăn mà không tốn nhiều thời gian.

Sử dụng các loại nguyên liệu mới

Sử dụng các loại nguyên liệu mới  cũng là một bí quyết để trẻ ăn dặm mà không cảm thấy chán. Nếu có sự khác biệt về hương vị của các thành phần, bé chắc chắn sẽ ăn mà không cần sử dụng gia vị.

Mời bạn xem thêm ở links sau để biết thêm cách sử dụng một số nguyên liệu thực phẩm để tạo vị ngọt ngon tự nhiên cho món ăn dặm của bé: Cách nêm nếm thức ăn dặm cho bé từ các nguyên liệu thiên nhiên

Tác giả: Mira Chan

Bài viết cùng tác giả

Bài viết cùng chuyên đề:

Bài viết liên quan